Lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đang ngày càng giảm nhanh. Thị trường đã xuất hiện mức lãi 5 - 6%/năm nhưng khách hàng vay cần lưu ý một số điểm trên hợp đồng vay.
Xuất hiện lãi vay 5%/năm
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ra mắt gói vay ưu đãi có tổng quy mô 13.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, vay tiêu dùng với từ 5%/năm.
Lãi suất cho vay từ 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu dành cho khách hàng cá nhân là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình kinh doanh. Tỷ lệ cho vay theo đó lên tới 80% giá trị tài sản bảo đảm, tối đa 20 tỉ đồng và thời gian vay kéo dài đến 15 năm. Đối với cho vay bất động sản, lãi suất từ 5,9%/năm, được giải ngân tới 80% giá trị tài sản đảm bảo với số tiền cho vay tối đa 20 tỉ đồng, thời gian vay lên tới 35 năm. Riêng với gói vay mua xe ô tô, lãi suất chỉ 7%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 85% giá trị xe và thời gian vay trong 8 năm. Hồ sơ vay được kê khai và duyệt trên ứng dụng VPBank RACE để có thể giải quyết nhanh.
Ngân hàng đua giảm lãi suất cho vay cá nhân
T.T
Đại diện VPBank cho biết, tính trung bình trong 2 năm gần đây, lượng khách hàng vay vốn tại VPBank tăng khoảng 30%/năm. Số lượng khách hàng hiện tại đang có khoản vay tại VPBank đạt gần 165.000 khách hàng, chủ yếu là vay mua ô tô và sản xuất kinh doanh. VPBank cũng đã có các đợt giảm 1,5%/năm lãi suất vay đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, nhiều ngân hàng gần đây đã tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân nhằm gia tăng tín dụng. Ngân hàng TMCP Bản Việt dành 7.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, ô tô, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất linh hoạt từ 7,9%/năm và cố định từ 9,9%/năm. Thời gian vay từ 6 đến 300 tháng.
Hay Sacombank đã tung gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm. Trong đó, dành 20.000 tỉ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. 10.000 tỉ đồng cho vay vốn mua, xây, sửa bất động sản với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất từ 8%/năm.
OCB dành 5.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân sản xuất kinh doanh mua nhà, ô tô vay với lãi suất 6,5%/năm. Cụ thể, cá nhân kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ vay ngắn hạn với lãi suất từ 6,5%/năm. Vay mua nhà ở lãi suất từ 7,5%/năm với thời gian vay lên 30 năm, tỷ lệ tài trợ tối đa 100% nhu cầu vốn và đến 80% giá trị tài sản. Còn vay mua ô tô có lãi suất 9,5%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank còn triển khai chương trình cho khách hàng cá nhân vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp. Sau khi BIDV đưa ra mức lãi suất cho vay 6%/năm ở chương trình này thì mới đây, Vietinbank đưa ra mức lãi thấp hơn, chỉ còn 5,6%/năm dành cho cá nhân vay vốn trả nợ vay ngân hàng khác.
Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5% đối với vay tiêu dùng. Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, với ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng cùng thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Một số điểm cần lưu ý
Lãi suất cho vay ưu đãi đối với cá nhân hiện nay đã giảm khá mạnh, xuống một nửa so với hồi tháng 5 và xấp xỉ lãi vay đối với doanh nghiệp. Thế nhưng, ở những mức lãi suất vay 5 - 6%/năm, các nhà băng thường đưa ra một số tiêu chí xét duyệt mà khách hàng vay phải đáp ứng mới có thể nhận được. Ngoài ra, cá nhân vay cần lưu ý thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi này ngắn hạn, có khi vài tháng đến 1 - 2 năm nên trong quá trình vay vốn cần xem xét kỹ phương thức tính lãi suất sau thời gian ưu đãi, nhằm tránh lãi suất vay tăng vọt từ 30 - 100% sau thời gian ưu đãi.
Sau thời gian hết được lãi suất ưu đãi, một số ngân hàng dựa vào lãi suất cơ sở hoặc lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 - 13 tháng cộng với biên độ từ 3,5 - 5% tùy theo ngân hàng để tính lãi lãi vay. Ở đây, lãi suất cơ sở do ngân hàng đưa ra theo từng thời điểm nên khách hàng sẽ khó có thể biết được. Tuy nhiên, khách hàng có thể nhìn vào biên độ cộng thêm để có thể thương lượng mức thấp hơn.
Một điểm cần lưu ý khác, đó là phí phạt trả nợ trước hạn. Thông thường khi đi vay, khách hàng hay chọn thời gian vay kéo dài để giảm áp lực cho những tháng vay đầu với số tiền trả thấp. Đối với những hồ sơ vay chọn phương thức dư nợ giảm dần thì phần lãi giảm dần khi nợ gốc đi xuống. Trong quá trình trả nợ, khách trả sớm số tiền gốc thường sẽ chịu một phí phạt trả nợ trước hạn. Tỷ lệ phạt này thường từ 1 - 3% tùy theo ngân hàng quy định trên hợp đồng.
Có ngân hàng quy định phí phạt trả nợ trước hạn 2% trong suốt quá trình vay. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng quy định tỷ lệ phạt theo từng năm như phí phạt trả nợ năm đầu từ 2,5 - 3%, năm 2 khoảng 1 - 2,5%, năm 3 còn 1% và miễn phí từ năm 4 trở đi… Lúc đi vay, khách hàng thường có tâm lý cần tiền nên không quan tâm đến mức phí phạt này nhưng trong quá trình vay sẽ gặp thiệt thòi nếu trả nợ sớm. Dù tỷ lệ vài phần trăm nhưng với số tiền hàng tỉ thì mức phạt cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, khi làm hồ sơ vay, khách hàng nên thương lượng từ đầu với ngân hàng về mức phí phạt như thế nào để tránh thiệt thòi về sau.