Ngày 24.8, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn 118 gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị sửa đổi một số quy định hiện nay để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Trong đó, kéo dài quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn thêm 1 năm.
Trong công văn, HoREA cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cầu thị ban hành Thông tư 10/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của Thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung theo khoản 2 điều 1 Thông tư 06/2023) từ ngày 1.9.2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Đây là tin phấn khởi đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng thuộc các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn và đồng thời cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc cung ứng vốn để góp phần vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định an sinh xã hội.
Kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 34% thêm 1 năm
NGỌC THẮNG
Để tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và cũng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, HoREA đề nghị NHNN tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định.
Cụ thể, tại Thông tư 08/2020 (sửa đổi một số điều của Thông tư 22/2019 quy định các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đề cập các tổ chức tín dụng "phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30% kể từ 1.10.2023 (hiện nay đang áp dụng tỷ lệ là 34%). Để tạo điều kiện về sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động ngắn hạn của các tổ chức tín dụng và thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 97 của Chính phủ về "thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế", HoREA đề nghị tỷ lệ này kéo dài thêm 1 năm, đến 1.10.2024.
Ngoài ra, HoREA đề nghị NHNN xem xét "bỏ" điểm a khoản 8 điều 4 Thông tư 16/2021 để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 điều 1 Nghị định số 65/2022 (sửa đổi khoản 2 điều 5 Nghị định 153/2020) cho phép "mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành".