Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng thúc đẩy tín dụng vào bất động sản, nhất là đáp ứng nhu cầu vay của người dân.
Ngân hàng tung gói tín dụng, giảm lãi suất
Những tháng trước đây, khi người dân (NH) nếu không gặp phải lãi suất cao từ 12 - 15%/năm thì cũng gặp rào cản tiếp cận vốn hoặc được báo đã hết hạn mức tín dụng. Hiện nay, tình hình lại hoàn toàn trái ngược khi các NH tung ra những gói tín dụng cho khách hàng mua, sửa chữa nhà. Các "ông lớn" như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV đi đầu trong việc công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm cho khách hàng; đồng thời dành ra một khoản tín dụng cho chẳng hạn như BIDV là 20.000 tỉ đồng.
Cá nhân vay mua nhà sụt giảm
ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngay sau đó, các NH thương mại cổ phần cũng bắt đầu đẩy những gói lãi suất giảm đối với bất động sản (BĐS) như MSB giảm 2%, lãi suất từ 8,9%/năm; Sacombank dành 10.000 tỉ đồng cho vay liên quan mua, sửa nhà…, riêng đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở sẽ có mức lãi suất vay từ 8%/năm; OCB dành khoảng 5.000 tỉ đồng cho vay mua nhà với lãi suất 8,5%/năm; BVBank dành 7.000 tỉ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất từ 8,8%/năm… Một số nhân viên tín dụng cá nhân cho biết tín dụng những tháng đầu năm không những giảm đối với khối doanh nghiệp mà ngay cả khách hàng cá nhân cũng sụt giảm. Thực tế, khách hàng cá nhân hỏi vay mua nhà đất gần đây không nhiều do lãi suất cho vay cao, thu nhập giảm, lo ngại thị trường còn rủi ro...
Số liệu cho thấy kết thúc quý 2, dư nợ cho vay BĐS tại một số NH có chiều hướng tăng giảm trái chiều. Chẳng hạn, tổng dư nợ cho vay BĐS của MB đạt 147.000 tỉ đồng, tăng trưởng 4,2% so với cuối năm 2022. Trong đó, 80% dư nợ tín dụng BĐS là cho vay cá nhân (khoảng 115.400 tỉ đồng, chiếm 21,5% tổng dư nợ của MB). 20% còn lại là tài trợ doanh nghiệp, chiếm khoảng 6% tổng dư nợ của NH này. Tín dụng của MB tập trung ưu tiên nhà ở phân khúc trung bình, phục vụ nhu cầu để ở của người dân.
Đồng thời, MB cũng đẩy mạnh tiếp cận đối với BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất. Tương tự, dư nợ cho vay của Techcombank là 153.600 tỉ đồng, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ cho vay khách hàng; VPbank cho vay cá nhân hơn 88.400 tỉ đồng để mua nhà ở (chiếm 22%), cho vay kinh doanh BĐS 82.764 tỉ đồng (chiếm 17%); TPBank dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh BĐS đạt 13.731 tỉ đồng, chiếm 7,75% tổng dư nợ cho vay; SHB cho vay hơn 59.460 tỉ đồng, chiếm 14,59%... Ngược lại, một số NH có dư nợ cho vay giảm như PGBank, VIB, VietBank, KienlongBank…
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) trong 5 tháng đầu năm cho thấy cho vay tiêu dùng BĐS giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cá nhân và người mua nhà vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Trong khi đó tín dụng kinh doanh BĐS tăng 14%, đạt 925.796 tỉ đồng.
Dòng tín dụng chảy vào các dự án như đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở (252.792 tỉ đồng); dự án văn phòng (37.535 tỉ đồng); khu công nghiệp, khu chế xuất (53.564 tỉ đồng); dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng (45.169 tỉ đồng); nhà hàng, khách sạn (66.184 tỉ đồng); cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê (137.375 tỉ đồng); vay mua (63.176 tỉ đồng); đầu tư kinh doanh BĐS khác (270.001 tỉ đồng). Số dư bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai là 25.730 tỉ đồng. Trong khi đó, chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng đối với nhà ở hiện vẫn triển khai cho vay khá chậm.
Muốn tăng tín dụng BĐS, cần tháo gỡ quy định
Thực tế, thị trường BĐS vẫn đang hết sức ảm đạm. Thông tin từ Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường BĐS quý 2/2023 cho biết số lượng các dự án phát triển nhà ở vẫn tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm, giao dịch trầm lắng và giá nhà tiếp tục tăng. Cụ thể, cả nước có 7 dự án phát triển nhà ở thương mại hoàn thành với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ). Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so quý 1/2023 và bằng 29,17% so cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra có 986 dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng, quy mô 413.539 căn. Số lượng dự án bằng 141,26% so quý 1/2023 và bằng 90,38% so cùng kỳ năm 2022; có 15 dự án được cấp phép mới với 3.239 căn. Số lượng dự án chỉ bằng 88,24% so quý 1/2023 và bằng 51,72% so cùng kỳ năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn không thể tiếp cận vốn tín dụng từ hệ thống NH vì nhiều lý do. Trước tình hình này, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp BĐS; chỉ đạo các NH có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án BĐS và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn… NHNN chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
NHNN tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các NH tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay; rà soát các điều kiện cho vay phù hợp thuận lợi, khuyến khích cả người vay phát triển nguồn cung và người vay mua nhà; có các gói khuyến mãi hợp lý ưu đãi để khuyến khích cả cung và cầu…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết doanh nghiệp hiện nay không còn lo lãi suất vay cao mà chuyển sang lo không tiếp cận được vốn. Để tín dụng có thể chảy vào BĐS, việc cần kíp là làm ngay sửa đổi Thông tư 06/2023 của NHNN (sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2019 về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng). Thông tư này quy định tăng thêm đối tượng "cấm" NH cho vay. Chẳng hạn như NH chỉ cho vay dự án đủ điều kiện kinh doanh. Đối với BĐS, dự án đủ điều kiện kinh doanh là hoàn thành sản phẩm nhà ở, cơ sở hạ tầng nhưng khi đó thì doanh nghiệp đâu còn nhu cầu vay vốn.
"Như thế nào là "đủ điều kiện kinh doanh" đối với dự án BĐS?", ông Châu đặt câu hỏi và nhấn mạnh: "Nếu không gỡ những khó khăn như vậy từ Thông tư 06 gây ra thì tín dụng cũng không thể chảy vào thị trường BĐS, cũng như dự án PPP khó tiếp cận được vốn". "Mong NHNN cầu thị theo tinh thần Thủ tướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào BĐS thì sửa ngay Thông tư 06 trước khi có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9. Đồng thời, đã là điều cấm thì cần quy định trong luật chứ không nằm trong thông tư. Thêm vào đó, một số thủ tục về BĐS cần được tháo gỡ khó khăn như cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng cấp cho người dân... để dòng tín dụng khơi thông", ông nói thêm.