Vị trí của bạn:trang đầu > KHOẢN VAY > KIẾN THỨC CHO VAY> bản văn

Doanh nghiệp khó khăn được giãn nợ một năm
25/04/2023   Nguồn:https://thanhnien.vn/   Nhấp Chuột:227

Đó là nội dung 2 thông tư được Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm qua, 24.4 và ngay sau đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát đi văn bản gọi đây là "tin mừng" về nỗ lực của các cơ quan nhà nước tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nhóm nợ nào được cơ cấu lại thời hạn thanh toán?

Theo Thông tư 02/2023 của (NHNN), những khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn phát sinh trước ngày 24.4 sẽ được xem xét cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ nay đến hết ngày 30.6.2024. 

Đồng thời, khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày theo hợp đồng, thỏa thuận. Khách hàng được đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ gốc/lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. 

Ngoài ra, các NH cũng không được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật. Thông tư nêu rõ các NH sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ như đã được phân loại tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu. Đồng thời, khoản nợ sau khi được thực hiện giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ không bị áp dụng theo nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn…

Doanh nghiệp khó khăn được giãn nợ một năm  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp, người dân sẽ được xem xét cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ

NGỌC THẮNG

Bà Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Thăng Long, bày tỏ vui mừng vì chính sách giãn nợ từ NHNH, Chính phủ. Bởi được gia hạn thời gian trả nợ 1 năm sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm được rất nhiều khó khăn khi không phải lo lắng về số tiền phải thanh toán nợ lẫn lãi. Thay vào đó, DN sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện pháp lý, triển khai dự án, đi bán hàng. 

"Thông tư mới vừa ban hành nên tôi đang chỉ đạo anh em nghiên cứu, nếu điều kiện đủ sẽ tham gia ngay. Tuy nhiên, vấn đề gây khó khăn, nặng nề nhất cho DN hiện nay là nợ trái phiếu. DN có được khoanh nợ hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết định của các tổ chức tín dụng. Do vậy cần phải có sự công tâm, tránh trường hợp lợi ích nhóm. Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều công ty sẽ nhìn lại, cơ cấu lại danh mục đầu tư, không còn mạo hiểm như trước", bà Nguyễn Thái Hà nói.

Việc cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ là chia sẻ, đồng hành cùng DN vì có thể khiến lợi nhuận của các nhà băng bị giảm. Dù chưa thể khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng có tác dụng tích cực cho các công ty, người dân đang gặp khó khăn chưa thể thanh toán nợ vay đúng hạn.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM

Một lãnh đạo Tập đoàn Hưng Thịnh (xin không nêu tên) cũng cho rằng quy định mới tốt cho các DN lẫn thị trường (BĐS). Tuy nhiên, nhiều món nợ quá hạn trước đây có thể chỉ mới giải quyết được khoảng 50%. Bởi khoản vay của DN từ NH chỉ chiếm khoảng 1/4 nợ vay, trong khi 3/4 là nợ trái phiếu. Để giải quyết khó khăn của DN thì cần phải thêm giải pháp cho trái phiếu DN. 

Do đó, vị lãnh đạo này kiến nghị NHNN cho phép các NH thương mại được cho DN phát hành trái phiếu sắp đến hạn (có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất) được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị trái phiếu đã phát hành. Đồng thời cho phép các trái chủ được cầm cố trái phiếu để vay tiền ở NH với 70% giá trị.

Ngoài ra, NH cần nới room cho vay bởi hiện DN vẫn đang rất khó tiếp cận vốn. Về dài hạn, nhà nước cần tháo gỡ về mặt pháp lý thật nhanh cho DN, cho dự án để làm sao sớm có sản phẩm đưa ra thị trường để có dòng tiền. Khi có dòng tiền thì mọi khó khăn của DN sẽ được giải quyết. 

"NHNN vừa  điều hành, kéo theo xu thế các NH thương mại giảm lãi suất huy động tiết kiệm và giảm lãi suất cho vay một chút, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo các NH thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho DN. Trong đó có DN BĐS và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. Cần cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án BĐS theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, để các DN được thỏa thuận chuyển nhượng dự án BĐS theo nhu cầu", lãnh đạo tập đoàn này đề xuất.

Hỗ trợ, đồng hành cùng DN và người dân

Bên cạnh việc DN và người dân gặp khó khăn sẽ được gia hạn nợ, Thông tư 03/2023 của NHNN cho phép các NH được mua lại số trái phiếu DN chưa được niêm yết hay chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM mà NH đã bán ra trước đây. 

Theo NHNN, quy định này nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các chuyên gia tài chính đều nhận định cả hai thông tư của NHNN được ban hành đã thể hiện được sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ với DN, người dân để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đây là thông tin tích cực cho thị trường tài chính và cả thị trường BĐS. Bởi hiện nay số DN nói chung đang gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, sức mua trong nước thấp đang khá nhiều. Khi được cơ cấu lại nợ, đồng nghĩa các DN sẽ được kéo dài thời gian trả nợ thay vì phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để kiếm tiền trả nợ ở thời điểm hiện tại. 

Đặc biệt, các DN trong lĩnh vực BĐS sẽ giảm được áp lực nguồn vốn, giảm thiểu nguy cơ phải bán tháo tài sản hay phá sản. Tuy nhiên, các NH vẫn phải trích lập đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ và điều này nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống. Song song, việc cho phép NH mua lại trái phiếu DN đã bán ra trước sẽ làm gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư vào kênh đầu tư này. Từ đó có thể góp phần làm gia tăng thanh khoản của trái phiếu DN. 

"Việc cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ là chia sẻ, đồng hành cùng DN vì có thể khiến lợi nhuận của các nhà băng bị giảm. Dù chưa thể khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng có tác dụng tích cực cho các công ty, người dân đang gặp khó khăn chưa thể thanh toán nợ vay đúng hạn", TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng cả hai thông tư 02/2023 và 03/2023 của NHNN đều là thông tin tích cực, hỗ trợ cho cả DN, người dân lẫn hệ thống NH. Dù quy định không cho phép hồi tố những khoản nợ quá hạn khá lâu trước đây và đã bị chuyển nhóm nợ nhưng sẽ giúp các DN từ nay đến tháng 6.2024 không lo bị chuyển sang nợ xấu. Từ đó sẽ giúp DN có thể tiếp cận vốn vay với các điều kiện thông thường. Hơn nữa, việc các NH sẽ tự xem xét, đánh giá tình hình, khả năng trả nợ của DN để đưa ra thời hạn cơ cấu nợ buộc các DN phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện các giải pháp để tự mình vượt qua khó khăn.