Nhờ vào việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank, MB, VPBank và HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 cao so với bình quân ngành...
Ảnh minh hoạNhư VnEconomy đã đưa, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm tới khoảng 14 - 15%.
Như vậy, với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ước đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng các ngân hàng có thể cho vay thêm trong năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,67 – 1,79 triệu tỷ đồng.
Cũng tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) đối với từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Trong đó, căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng tổ chức tín dụng, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường...
Về việc dự báo phân bổ "room tín dụng" cho từng ngân hàng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 của Vietcombank (VCB) đạt 17% nhờ tham gia mua lại và tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém và sức khoẻ tài chính nội tại của ngân hàng. Theo Yuanta, Vietcombank đang chuyển dần mô hình tập trung nhiều hơn cho vay bán lẻ, điều này có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận cho ngân hàng.
Tính đến quý 3/2022, tín dụng ngân hàng VCB tăng trưởng 17,6%. Cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME chiếm 52,9% trong tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay khối khách hàng doanh nghiệp quy mô lớn chiếm 47,1%. Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng động lực tăng trưởng chính lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng là giảm trích lập dự phòng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên cấp room tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Cụ thể, 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gồm VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
Theo VDSC, phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. Tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng; Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay; Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; chất lượng thanh khoản của các ngân hàng thương mại sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành.
Do đó, VDSC cũng nhận định, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
Tại diễn biến liên quan, trong cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng thời gian qua, có thời điểm phản ứng chính sách của Ngân hàng Nhà nước có thời điểm còn chậm, công tác phân tích có lúc còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng có thời điểm, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của ngươi dân và doanh nghiệp.
Do đó, ngành ngân hàng cần bám sát tình hình và mong muốn, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn.
Cụ thể, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.