Vị trí của bạn:trang đầu > KHOẢN VAY > KIẾN THỨC CHO VAY> bản văn

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình: Hướng tín dụng vào động lực phát triển kinh tế của tỉnh
01/09/2022   Nguồn:https://tapchinganhang.gov.vn/   Nhấp Chuột:547


Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hòa Bình
 
Những tháng đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/7/2022 của hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đạt 7,1%, nguồn vốn tăng trưởng ổn định, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ nợ xấu thấp. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt lên những khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân.
Với sự chủ động, linh hoạt, lường trước những khó khăn từ dịch bệnh cũng như từ kinh tế địa phương, ngay từ đầu năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành Ngân hàng cũng như địa phương đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các văn bản chỉ đạo của NHNN.
Cùng với đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên toàn địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, trọng tâm là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tham mưu với UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/4/2022 về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; tham gia xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh Hòa Bình; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động kinh doanh theo phương hướng đề ra gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung tăng trưởng nguồn vốn, mở rộng tín dụng theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ và địa phương, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng.
Kết quả, đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn đạt 37.022 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cuối năm 2021, trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 29.117 tỷ đồng, tăng 11,8%, đáp ứng 92,8% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay.
Tổng dư nợ toàn địa bàn đến ngày 31/7/2022 đạt 31.387 tỷ đồng, tăng 7,1% so với 31/12/2021, trong đó, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 51% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 23,1% tổng dư nợ; các lĩnh vực ưu tiên khác dư nợ đạt thấp: Dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 40 tỷ đồng, dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 22 tỷ đồng. Đối tượng nghèo và chính sách xã hội tiếp tục được mở rộng cho vay, vừa tăng tốc giảm nghèo vừa duy trì đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Tính đến tháng 7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình dư nợ đạt 4.048 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm 2021, đạt 94,2% kế hoạch năm 2022; tỷ lệ nợ xấu 0,12% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị học tập, cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đạt 177 tỷ đồng/405 tỷ đồng.
Đặc biệt, hệ thống TCTD trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục “chia lửa” cùng nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân với hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của NHNN và các chương trình tín dụng. Theo đó, toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã miễn, giảm hơn 54 tỷ đồng tiền lãi của dư nợ gốc 9.922 tỷ đồng đối với 82.411 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 2.560 tỷ đồng đối với 2.224 khách hàng; doanh số cho vay mới với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 0,5 - 2% so với trước dịch) đạt 6.144 tỷ đồng đối với 1.438 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã thực hiện gia hạn nợ cho 72 khách hàng với dư nợ được gia hạn trên 2 tỷ đồng; cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay đã giải ngân được trên 5,1 tỷ đồng đối với 11 doanh nghiệp, trong đó có 516 người lao động với 1.548 lượt lao động cho vay vốn trả lương ngừng việc.
Tăng trưởng tín dụng đi kèm với việc nâng cao công tác thẩm định, tăng cường xử lý nợ xấu đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng chỉ còn chiếm 0,53%/tổng dư nợ, giảm cả về số tuyệt đối dư nợ và tỷ lệ so với thời điểm 31/12/2021.
Huyết mạch thanh toán trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng với sự cộng hưởng của công cuộc hiện đại hóa ứng dụng công nghệ của ngành Ngân hàng và sự chủ động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 theo Văn bản số 313/HBI-TH ngày 13/5/2022.
Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích thanh toán trực tuyến qua thiết bị di động SmartBanking, QR Code... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng theo Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Hòa Bình đã góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,63%; công nghiệp, xây dựng tăng 6,17%; dịch vụ tăng 7,32%; thuế sản phẩm giảm 11,45%.
Để hoàn thành kế hoạch hoạt động mà toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đề ra đầu năm 2022 và hỗ trợ tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng cuối năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của NHNN, UBND tỉnh Hòa Bình; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để triển khai có hiệu quả Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của NHNN được ban hành kèm theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 07/10/2021 của Thống đốc NHNN.
Tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng tiếp tục được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp sẽ được NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình kiểm soát chặt chẽ; tăng cường cảnh báo, giám sát hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của NHNN.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh Hòa Bình chỉ đạo và hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu, từ đó góp phần nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế tỉnh Hòa Bình.