Vị trí của bạn:trang đầu > NGÂN HÀNG > GIỚI THIỆU NGÂN HÀNG> bản văn

Ngân hàng Chính sách xã hội Cư M’gar: Dấu ấn 20 năm đồng hành cùng người nghèo
29/08/2022   Nguồn:https://tapchinganhang.gov.vn/   Nhấp Chuột:628

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rộng rãi và hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
 
Luôn đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 
 
NHCSXH huyện Cư M’gar được thành lập ngày 10/5/2003 và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/6/2003 với  nhiệm vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là phục vụ khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
 
20 năm qua, NHCSXH huyện Cư M’gar đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ của NHCSXH huyện Cư M’gar tâm huyết, luôn nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, luôn gần dân, sát với dân, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Bên cạnh đó, với hệ thống hoạt động được phủ kín 17/17 điểm giao dịch xã, thị trấn trong huyện cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống,  giải quyết việc làm cho hộ nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.


Người dân nhận tiền vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ 
tại NHCSXH huyện Cư M'gar

Từ 02 chương trình tín dụng được nhận bàn giao ban đầu với số tiền 4.723 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 7,39%, đến nay, NHCSXH huyện Cư M’gar đang triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 403.483 triệu đồng, với 11.296 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn ngân sách tỉnh Đắk Lắk ủy thác qua NHCSXH là 391.513 triệu đồng với 10.968 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn của ngân sách huyện Cư M’gar ủy thác qua NHCSXH là 11.970 triệu đồng với 328 khách hàng đang vay vốn.
 
Tính đến ngày 30/6/2022, NHCSXH huyện Cư M’gar thực hiện cho vay chương trình hộ nghèo với tổng dư nợ 56.527 triệu đồng, cho 1.537 khách hàng vay, chiếm 14% tổng dư nợ các chương trình tín dụng. Vốn vay đã được hộ nghèo đầu tư cho các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi ngành nghề… giúp cho hộ nghèo mua được hàng ngàn con trâu, bò để nuôi lấy thịt, nuôi sinh sản, chăm sóc, trồng mới nhiều diện tích cây cà phê, cải tạo vườn tạp, thực hiện mô hình VAC,… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình nghèo; hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn biết ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ngày càng cao và ổn định. Mỗi năm có nhiều hộ thoát nghèo, đặc biệt trong những năm gần đây số hộ thoát nghèo ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo, có 3.229 khách hàng được vay vốn với tổng dư nợ 127.632 triệu đồng, chiếm 31,63% tổng dư nợ các chương trình tín dụng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 60.982 triệu đồng, cho 1.512 khách hàng, chiếm 18,11%; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 151 khách hàng, với tổng số tiền 5.899 triệu đồng, chiếm 1,46%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hơn 7.060 công trình nước sạch, công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, với tổng số tiền 63.992 triệu đồng cho 3.530 khách hàng, chiếm 15,86%; cho vay giải quyết việc làm tổng số tiền 33.436 triệu đồng với 824 lao động được vay vốn, giúp họ có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề; cho vay xuất khẩu lao động với 14 lao động thuộc đối tượng chính sách đi lao động nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho gia đình và địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo với tổng số tiền 627 triệu đồng; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với mục đích giúp phát triển kinh tế ở những vùng khó khăn, đảm bảo phát triển đồng đều trên các vùng ở địa phương cho 1.123 khách hàng với tổng số tiền 39.851 triệu đồng, chiếm 9,87% tổng dư nợ các chương trình tín dụng. Đối với cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, dư nợ đạt 343 triệu đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ dư nợ đạt 11.135 triệu đồng với 574 khách hàng còn dư nợ; cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số dư nợ là 2.817 triệu đồng với 85 hộ vay, qua đó đã giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về đời sống, sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong địa bàn huyện. 
 
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, huyện Cư M’gar đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay 86.674 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số đạt 1.233 tỷ đồng. Tổng dư nợ 17 chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2022 đạt hơn 403 tỷ đồng, tăng hơn 398 tỷ đồng (tăng gần 86 lần) so với tổng dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 12,6% với 11.296 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 35,71 triệu đồng/khách hàng, tăng 33,51 triệu đồng/khách hàng so với khi mới thành lập.
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa về 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cư M’gar, trong đó, tập trung cho vay các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội một cách thuận lợi, kịp thời, giúp 34.889 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp hơn 7.938 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 2.496 lao động, giúp 5.982 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 11.180 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ 02 cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
 
Đặc biệt, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, NHCSXH huyện Cư M’gar đã triển khai cho vay các đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến với tổng số tiền giải ngân là 50 triệu đồng cho 04 học sinh trên địa bàn huyện. Đồng thời, triển khai chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 180 triệu đồng. Nguồn vốn đã giúp cho các cơ sở giáo dục sửa chữa lại cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để phục hồi, duy trì hoạt động sau đại dịch. 
 
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được quan tâm, đã và đang phát huy hiệu lực, hiệu quả, qua đó, nhằm cảnh báo rủi ro, rà soát, bổ sung, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai sót trong quá trình thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội. 
 
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội được quan tâm đẩy mạnh dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua kênh các Hội đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, cấp chi hội; tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử của huyện, qua báo, đài, truyền hình Trung ương và địa phương để người dân và các cấp, các ngành nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách cũng như về hoạt động của NHCSXH.
 
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã đi vào cuộc sống
Ngay khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Cư M’gar đã khẩn trương triển khai phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản liên quan của Chính phủ, của tỉnh, của huyện tới 100% các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy; chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Chị Lý Thị Ngọc Nhi, thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk 
sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển đàn dê cho thu nhập ổn định
 
Theo đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Hội đoàn thể các cấp đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với công tác tín dụng chính sách và hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, nhận thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng phải triển khai thực hiện của địa phương. Chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động ủy thác, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch lưu động tại các xã trên địa bàn huyện; tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, nhân sự được kiện toàn kịp thời khi có thay đổi, công tác chỉ đạo điều hành thực hiện tín dụng chính sách được thực hiện đúng quy trình, quy định, công tác kiểm tra, giám sát được triển khai, chất lượng và hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách được nâng cao...
 
Bên cạnh đó, hoạt động của NHCSXH huyện Cư M’gar luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt đã quan tâm huy động, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội thông qua việc bố trí ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH để ủy thác cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, hằng năm, UBND huyện Cư M’gar đều chuyển ít nhất 1,5 tỷ đồng ủy thác sang cho NHCSXH huyện, nâng tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH lên là 12 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn đều tạo điều kiện về bố trí vị trí treo các nội dung công khai, địa điểm giao dịch và đảm bảo an toàn cho các phiên giao dịch vào ngày cố định hằng tháng trong khuôn viên UBND xã, thị trấn. 
 
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Cư M’gar đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Cư M'gar thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.