Vị trí của bạn:trang đầu > KHOẢN VAY > KIẾN THỨC CHO VAY> bản văn

Giải pháp cho công nhân, người lao động tiếp cận vốn chính thức, tránh xa “bẫy” tín dụng đen
24/08/2022   Nguồn:https://tapchinganhang.gov.vn/   Nhấp Chuột:507

Nhằm giúp công nhân, người lao động sớm thoát khỏi những hình thức vay tín dụng đen, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng đưa ra gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng, với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay để cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng.
 
 
Công nhân, người lao động luôn có nhu cầu vay vốn để giải quyết các vấn đề của cuộc sống

Gói vay lớn về tiêu dùng đầu tiên dành cho đối tượng công nhân lao động
Ngày 13/7/2022, tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 11, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo 02 công ty tài chính thuộc hai ngân hàng thương mại triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng cho lao động tại các khu công nghiệp. Thời hạn cho vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày nhằm hỗ trợ công nhân lao động, qua đó sẽ giảm những ảnh hưởng tiêu cực của tín dụng đen.
Trước đó, ngày 12/6/2022, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân tại tỉnh Bắc Giang, 02 công ty tài chính (Công ty Tài chính TNHH HD Saison (HD Saison) và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit)) đã cam kết dành 10 nghìn tỷ đồng mỗi công ty để cho vay đối với công nhân với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất các công ty này đang cho vay trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ hoặc đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho người lao động có khó khăn đột xuất tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hợp pháp. Người lao động cũng sẽ được nâng phúc lợi thông qua tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở...
Đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói vay có tổng trị giá lớn dành cho đối tượng công nhân lao động. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và các ngân hàng, trong nỗ lực thúc đẩy tài chính bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng hành cùng mỗi người dân trong nền kinh tế.
Để chương trình sớm được triển khai giúp công nhân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen tại các khu công nghiệp, 02 công ty tài chính trên đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thảo luận về các nội dung của chương trình như lãi suất cho vay, đối tượng, điều kiện vay vốn, cơ chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công ty tài chính...
Trong tháng 8/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với 02 công ty tài chính này thực hiện khảo sát tại một số khu công nghiệp để nắm bắt thực tế, nhu cầu vay vốn của công nhân để xây dựng sản phẩm và lựa chọn khu công nghiệp để triển khai thí điểm chương trình. Trên cơ sở đó, dự kiến trong tháng 9/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 02 công ty tài chính này sẽ ký thỏa thuận hợp tác để triển khai sản phẩm với các ưu đãi về lãi suất dành cho công nhân.
Đại diện HDBank cho biết, căn cứ trên cơ sở nền tảng của HDBank, với nguồn lực tài chính mạnh và chi phí vốn được cơ cấu phù hợp, đặc biệt việc đi đầu áp dụng công nghệ số hiện đại với các sản phẩm dịch vụ online tiện ích, an toàn, nhất là dịch vụ vay qua App, qua đó hỗ trợ công nhân tiếp cận được các gói vay ưu đãi dễ dàng và hưởng mức lãi suất thấp. 
Với ý nghĩa của gói vay tiêu dùng, các khoản nhỏ nhưng mang ý nghĩa tiếp sức, HDBank không triển khai giải ngân trực tiếp mà sẽ thông qua HD Saison. Với mạng lưới 23.000 điểm giao dịch tại 63 tỉnh, thành của HD Saison, khi thực thi chương trình này sẽ giúp công nhân, người lao động ở các khu vực vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn nữa các nguồn vốn vay ưu đãi.
Thực tế, thời gian qua, nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động tín dụng đen biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các đối tượng liên quan đến tín dụng đen còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Để chương trình lan tỏa tới nhiều địa phương, không chỉ sự nỗ lực của các công ty tài chính và các ngân hàng thương mại, mà các cấp công đoàn, đặc biệt là liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố ở nơi có nhiều khu công nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho các TCTD được giao nhiệm vụ này có thể tiếp cận công nhân.
Ngăn chặn và dẹp bỏ tín dụng đen là trách nhiệm, sự chung tay của nhiều bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương 
Thời gian qua, về phía ngành Ngân hàng, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế tín dụng đen (tại Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019) và chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của các TCTD, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức để phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng hợp pháp của người dân, nhất là đối tượng người nghèo, người lao động thu nhập thấp.
Theo đó, NHNN không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, NHNN điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...
Đồng thời, mạng lưới TCTD được phát triển nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 04 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.
Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp: Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng với lãi suất ưu đãi (chỉ từ 3,3% - 6,6%, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính) và không cần tài sản bảo đảm).
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh tín dụng đen; xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh, hạn chế tín dụng đen
Với xu hướng phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng đầy tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới, công tác điều hành hoạt động tín dụng tiêu dùng của NHNN cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng, qua đó giúp công nhân, người lao động, người thu nhập thấp có thêm nhiều kênh tiếp cận vốn, tránh xa các hình thức cho vay nặng lãi.
Đồng thời, NHNN cần tiếp tục tăng cường quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng. Do hoạt động tín dụng tiêu dùng với đặc thù số lượng khoản cấp tín dụng lớn, giá trị từng khoản vay nhỏ, phân khúc khách hàng rộng từ “dưới chuẩn” đến “trên chuẩn”, theo đó, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực tiêu dùng thường cao hơn so với tín dụng phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với nhóm công ty tài chính tiêu dùng nợ xấu có xu hướng tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do vậy cần thiết phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng nhằm kiểm soát, hạn chế việc sử dụng vốn sai mục đích vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả và an toàn hoạt động của các TCTD. Hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ phát triển mạnh mẽ gắn với sự hợp tác liên kết giữa các TCTD và công ty Fintech, cần có hành lang pháp lý điều chỉnh và sự giám sát của NHNN nhằm hạn chế tranh chấp, rủi ro phát sinh.
Thời gian tới, về phía NHNN, cần tiếp tục chủ trương mở rộng tín dụng tiêu dùng; đưa nội dung điều hành hoạt động tín dụng tiêu dùng vào nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại các Chỉ thị về chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả hằng năm.
Theo đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển, đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh mới; tăng cường quản lý rủi ro đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có giải pháp kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn đối với giá trị khoản vay lớn và lãi suất cho vay tiêu dùng.
NHNN tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng phù hợp với xu hướng phát triển của Ngành; kiểm soát hoạt động của các tổ chức trung gian thanh toán do NHNN cấp phép; nghiên cứu, nhận diện, phân loại các giải pháp, dịch vụ Fintech ứng dụng vào hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động tín dụng tiêu dùng; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động trung gian thanh toán, cơ chế phối hợp các công ty Fintech và các TCTD trong hoạt động tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường công tác giám sát, thanh tra nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tín dụng tiêu dùng; chỉ đạo các TCTD, nhất là công ty tài chính tiêu dùng thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về minh bạch lãi suất cho vay, công tác nhắc nợ, thu hồi nợ.
Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về tín dụng tiêu dùng, các đơn vị cung cấp sản phẩm tín dụng tiêu dùng hợp pháp để người dân hiểu, tránh đánh đồng hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép với các đơn vị cầm đồ, cho vay nặng lãi.
Để hạn chế hoạt động tín dụng đen, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng còn cần có sự phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hậu quả của các hình thức tín dụng đen để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia, đặc biệt là người dân, công nhân lao động ở nông thôn, đồng bào vùng sâu, vùng xa có ít thông tin, hiểu biết về tín dụng đen. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; công nhân, người lao động cũng cần chứng minh mục đích vay vốn rõ ràng, phương án trả nợ khả thi, hiệu quả thì việc thẩm định và hỗ trợ vốn cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Việc đẩy lùi tín dụng đen phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an cần phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.