Vị trí của bạn:trang đầu > NGÂN HÀNG > GIỚI THIỆU NGÂN HÀNG> bản văn

Hệ thống Ngân hàng Bến Tre tập trung nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực dựa trên tiềm năng của địa phương
28/07/2022   Nguồn:https://tapchinganhang.gov.vn/   Nhấp Chuột:480

Thành phố Bến Tre thay da đổi thịt từng ngày

Bến Tre là địa phương có điều kiện phát triển cơ cấu kinh tế toàn diện, có khả năng tăng tỷ trọng kinh tế công nghiệp chế biến; trong đó, tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh như chế biến dừa, thủy sản, thương mại dịch vụ. Đặc biệt, Bến Tre có điều kiện phát triển năng lượng, công nghiệp phụ trợ, hệ thống kho bãi, cảng biển, cảng sông, thương mại dịch vụ logistics, trở thành trung tâm kết nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng hành cùng sự phát triển của địa phương, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất chế biến và kinh doanh những mặt hàng có tính chiến lược đột phá, quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm này trên sàn thương mại điện tử.
Phát huy thế mạnh kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ logistics
Thời gian qua, mặc dù tình trạng xâm nhập mặn và sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 có ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bến Tre vẫn đạt 0,53% - đứng thứ 7 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 5.700 tỷ đồng, vượt 20,7% kế hoạch Trung ương giao, tăng 8,1% so với năm 2020; giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,5%. Hoạt động thương mại dịch vụ cũng giữ mức tăng trưởng, đến nay, gần như 100% doanh nghiệp đã hoạt động bình thường trở lại. Xuất khẩu tuy giảm 10% nhưng đã có nhiều thị trường lớn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm được tập trung thúc đẩy, nhất là dự án Cầu Rạch Miễu 2 đang khởi công…
Bên cạnh đó, Bến Tre có nhiều lợi thế để phát triển các lĩnh vực năng lượng, như: Điện gió, điện mặt trời, sinh khối… cùng các lĩnh vực tiềm năng khác như công nghiệp, thương mại. Do vậy, Bến Tre luôn chú trọng việc phát triển hạ tầng giao thông, logistics, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại và dịch vụ. Bến Tre đã tập trung xây dựng và hoàn thiện chiến lược đề án phát triển công nghiệp - thương mại địa phương; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tính chất chủ lực, có tính chất nền tảng của địa phương dựa trên kinh nghiệm, tiềm năng và xu hướng phát triển; các ngành công nghiệp chế biến (dừa, trái cây, thủy sản); công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…), khuyến khích xây dựng nhà máy điện gió, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về hướng Đông của tỉnh.
Cùng với đó, Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với thương mại và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, nước ngoài; trong đó, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái miệt vườn; chú trọng phát triển nguồn nhân lực bằng việc xác định rõ những ngành cần tập trung đào tạo để phục vụ phát triển địa phương trong tương lai; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, cập nhật các yêu cầu phát triển của địa phương để đầu tư phát triển.
Hướng dòng vốn tín dụng đầu tư phát triển kinh tế
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bến Tre đã định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, hạ tầng giao thông ven biển, kết nối tuyến đường ven biển cả nước, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, đô thị và du lịch. Trong đó, Bến Tre xác định phát triển năng lượng sạch là nhiệm vụ đột phá. Mục tiêu đến năm 2025 phát triển ít nhất 1.500 MW điện gió. Theo đó, năm 2022, Bến Tre phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 8,19% so với năm 2021; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.860 triệu kWh, tăng 4% so với kế hoạch năm 2021, có hơn 140 MW điện gió đưa vào khai thác thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.500 triệu USD, tăng 15,13%...
Góp sức vào chủ trương “phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông”, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đồng thuận, sáng tạo thực hiện chủ trương, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đạt được nhiều kết quả nổi bật: Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống ngân hàng tỉnh Bến Tre tập trung hai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Bến Tre là phát triển tín dụng phục vụ sản xuất và kiểm soát nợ xấu. Các tổ chức tín dụng luôn chủ động nguồn vốn, tích cực tiếp cận và đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn hợp lý của khách hàng, luôn được duy trì thông suốt, không bị gián đoạn trong việc cung cấp tín dụng, dịch vụ; tổng số tiền cho vay trong giai đoạn này là 227.108 tỷ đồng, tăng 95,5% so với giai đoạn trước. Tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn chung, đến cuối năm 2021 đạt hơn 47.259 tỷ đồng, tăng 6,3% so cuối năm 2020; tiếp tục tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh nghiệp, các công trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, tạo đà phục hồi nhanh kinh tế địa phương; nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn, chỉ chiếm 0,98% tổng dư nợ (tương đương 463 tỷ đồng). Để khơi thông và chuyển tải hiệu quả dòng vốn tín dụng tập trung đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh như: Phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu, các dự án điện gió, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị, phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương.
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 lần đầu tiên xác định chủ trương “phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông”. Với ý nghĩa kiến tạo, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển với trọng tâm là phát triển kinh tế biển, đặc biệt là xây dựng tuyến động lực ven biển, tuyến đóng vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng, giao thông vận tải đường biển và gắn với các cảng biển của vùng, giúp khai thác tốt tiềm năng kinh tế biển của địa phương, qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển. Đây là một chủ trương lớn, là bước đi mang tầm chiến lược, đột phá của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, mang khát vọng mới, do đó, với vai trò là “huyết mạch” trong phát triển kinh tế và trách nhiệm đối với địa phương, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, chung sức thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra bằng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Gắn nhiệm vụ kinh doanh với chủ trương phát triển của tỉnh để đề xuất, áp dụng các chương trình, gói tín dụng phù hợp, nhất là các gói tín dụng phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng ven biển trong thời gian tới. Chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư tín dụng đối với các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là dự án nuôi tôm biển công nghệ cao; các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, phát triển các làng nghề, du lịch biển, các khu dân cư lấn biển… Đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế địa phương. Góp phần chung sức thực hiện chủ trương phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông trên tinh thần “đồng thuận, sáng tạo” là quyết tâm và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.