Ngày 21.7, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh Thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức Lễ kích hoạt Sự kiện năm 2022 với chủ đề "Chạm tới tương lai".
Sự kiện không dùng tiền mặt thuộc Chương trình Khuyến mại tập trung của Thành phố và là sự kiện thường niên, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì tổ chức, kết hợp triển khai trong các Tháng khuyến mại của Thành phố.
Sự kiện không dùng tiền mặt đã được tổ chức thành công qua các năm 2020, 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thu hút hàng triệu lượt khách hàng trải nghiệm, mua sắm tại các điểm khuyến mại, địa điểm thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); các doanh nghiệp tham gia sự kiện có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 30%, tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua trung gian thanh toán.
Với chủ đề: “Chạm tới tương lai", Sự kiện không dùng tiền mặt năm 2022 nhằm tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT); ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số; đặc biệt hướng đến các đối tượng khách hàng tham gia thanh toán, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng viễn thông, y tế, giáo dục... trên địa bàn Thành phố.
Sự kiện gồm các hoạt động chính: Hoạt động tuyên truyền, khuếch trương cho Sự kiện thông qua các hình thức tuyên truyền qua fanpage, banner quảng cáo, tờ rơi, phóng sự,... trong tháng 7, 8.2022, để người tiêu dùng biết và hưởng ứng.
Khu vực trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ TTKDMT dành cho các doanh nghiệp đồng hành với các ưu đãi cho khách hàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ khi TTKDTM. Qua đó, tạo điều kiện cho người tiêu dùng làm quen và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán, từ đó, góp phần hình thành thói quen sử dụng TTKDTM.
Thông qua các chuỗi hoạt động của Sự kiện, Sở Công Thương hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền thuật khi giao dịch và mua sắm, tạo thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển TTKDTM, phát triển hoạt động TMĐT tạo thuận lợi cho khách hàng khi mua sắm, thanh toán và là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng, góp phần hoàn thành chi tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thành phố, giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.
Đồng thời, Sở Công thương cũng phấn đấu TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 45%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 65%; Website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sản giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 35%...
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, TTKDTM có mối quan hệ mật thiết với mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các giải pháp TTKDTM được triển khai trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tiểu thương chuyển đổi số và giúp hàng chục triệu người tiếp cận dịch vụ tài chính, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt.