Bám sát theo định hướng tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chủ động thực hiện xây dựng Chiến lược chuyển đổi số và được cụ thể hóa trong Chương trình hành động chuyển đổi số đến năm 2025 với các nhóm hành động và mục tiêu cụ thể. Chương trình chuyển đổi số của Vietcombank được xây dựng và phát triển dựa trên 04 trụ cột là: Số hóa (Digital), dữ liệu (Data), công nghệ (Technology) và chuyển đổi (Transformation) cùng lộ trình triển khai chi tiết. Bên cạnh đó, Vietcombank xác định việc xây dựng và thực hiện Chiến lược chuyển đổi số cần phải phù hợp với Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng với yêu cầu chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong Chiến lược chuyển đổi số của mình, Vietcombank đã giới thiệu và đưa vào sử dụng dịch vụ Ngân hàng số VCB DigiBiz vào cuối tháng 11/2021. Đây là sản phẩm dịch vụ nổi bật nên vào ngày 23/4/2022, VCB DigiBiz đã vinh dự là một trong số các sản phẩm, giải pháp phần mềm mới được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá cao và vinh danh tại Lễ công bố và trao giải thưởng Sao Khuê 2022.
Chuyển đổi số lấy khách hàng làm trọng tâm
Nhìn lại quá trình 20 năm qua, ngay từ năm 2001, Vietcombank đã dẫn đầu khi đưa vào sử dụng hệ thống rút tiền tự động ATM và triển khai thế hệ đầu tiên của Internet Banking, mang đến cho khách hàng sự tiện lợi phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, với sự ra đời của điện thoại thông minh, sự phủ sóng toàn quốc của mạng Wifi, sự phát triển vượt bậc của mạng di dộng đã làm thay đổi thói quen của người dân, đòi hỏi các ngân hàng phải chuyển đổi để cạnh tranh. Vietcombank đã định hướng và xác định thay đổi là tất yếu và số hóa ngân hàng là lựa chọn đúng đắn.
Vietcombank đã lựa chọn cho mình mô hình số hóa ngân hàng hiện tại và phát triển các dịch vụ ngân hàng số mới nhằm đáp ứng sự thay đổi trong kỳ vọng của khách hàng, với sự hỗ trợ bởi những tiến bộ đột phá trong công nghệ, chuyển đổi từ việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ truyền thống sang những sản phẩm, dịch vụ số hiện đại, tính năng mạnh mẽ. Trong tương lai, ngân hàng số sẽ chiếm lĩnh thị trường nhờ sự kết nối vượt trội với khách hàng và khả năng định hướng hành vi cũng như nhu cầu sử dụng của khách hàng. Với việc xác định đó, Vietcombank đã đặt ra các nguyên tắc thực hiện: Lấy khách hàng làm trọng tâm, phát triển song song các năng lực số nền tảng, đồng thời xây dựng, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, Vietcombank có những động lực chuyển đổi số khác như: Dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chuyển đổi số của NHNN và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; chuyển đổi số toàn diện trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các công nghệ mới... Tất cả những động lực này đều lấy khách hàng làm trung tâm nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ số tốt nhất, tính năng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của khách hàng, cùng với những trải nghiệm số hóa xuất sắc.
Sản phẩm, dịch vụ trong tiến trình chuyển đổi số
Chiến lược chuyển đổi số của Vietcombank lấy mục tiêu khách hàng làm trọng tâm và thị trường được phân đoạn rất rõ ràng. Sau khi hệ thống ngân hàng lõi Core Banking được thay thế, các sản phẩm và dịch vụ của Vietcombank được số hóa phục vụ tốt hơn cho từng nhóm khách hàng: VCB CashUp dành cho khách hàng doanh nghiệp cao cấp và VCB DigiBiz phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hệ thống VCB CashUp - gói dịch vụ Ngân hàng số ưu việt đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp lớn (các tập đoàn đa quốc gia, tổng công ty) theo cả chiều dọc và chiều ngang.
Quản lý hoạt động hệ sinh thái theo chiều dọc: VCB CashUp hỗ trợ số hóa toàn bộ quy trình truy vấn thông tin, lập và duyệt lệnh thanh toán của doanh nghiệp, đáp ứng những mô hình lập và duyệt lệnh phức tạp nhất với tối đa 20 cấp phê duyệt, phân quyền cho người dùng một cách linh hoạt theo hạn mức, tài khoản, loại hình dịch vụ... VCB CashUp hỗ trợ quản trị vốn tập trung không giới hạn số tầng, không giới hạn số lượng tài khoản thành viên, đồng thời cung ứng nhiều lựa chọn đầu tư ưu việt nhằm tối ưu hóa lợi nhuận từ dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp.
Quản lý hệ sinh thái theo chiều ngang: VCB CashUp hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp đối với quản lý dòng tiền chi cũng như quản lý dòng tiền thu. Với dòng tiền chi, VCB CashUp bổ sung các tính năng thanh toán hoàn toàn mới theo chuẩn mực quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu của toàn bộ các khách hàng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ quản trị chính xác chi phí đầu vào, giao dịch nhanh chóng, thông suốt và hạn chế tra soát. Đối với dòng tiền thu, VCB CashUp cung ứng một hệ thống sản phẩm đầy đủ để định danh toàn bộ các khách hàng, đối tác của doanh nghiệp, hỗ trợ thu nhanh, thu đúng, thu đủ và cung cấp các báo cáo quản trị dòng thu chi tiện lợi.
Bên cạnh sản phẩm VCB CashUp dành cho khách hàng cao cấp, Vietcombank cũng ra mắt bộ giải pháp số hoàn toàn mới dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là ứng dụng ngân hàng số VCB DigiBiz giúp doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng và quản lý tài chính hiệu quả. Tuy đây không phải là sản phẩm đầu tiên có mặt trên thị trường, nhưng nếu xét về tính ứng dụng, VCB DigiBiz là kênh ngân hàng số đồng nhất, giúp doanh nghiệp có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng (App) VCB DigiBiz trên các chợ ứng dụng hoặc trên website của Vietcombank. VCB DigiBiz cung cấp hai mô hình được thiết kế dựa trên nghiên cứu về đặc điểm và nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Mô hình 1 cấp (vừa lập, vừa duyệt lệnh) và mô hình 2 cấp (1 cấp lập và 1 cấp duyệt), với mục tiêu tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trên kênh số.
Với ứng dụng VCB Digibiz an toàn và bảo mật thông tin, việc quản trị hệ thống tài chính, ngân hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được thiết lập một cách nhanh chóng, không tốn nguồn lực, không ảnh hưởng bởi khoảng cách, đặc biệt là tuân theo những thông lệ chuẩn mực của thế giới.