Vị trí của bạn:trang đầu > KHOẢN VAY > KIẾN THỨC CHO VAY> bản văn

Khoanh nợ và những rủi ro tiềm ẩn
30/06/2022   Nguồn:   Nhấp Chuột:619

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp khiến việc cơ cấu lại nợ không còn là giải pháp hữu hiệu, nên không chỉ doanh nghiệp (DN) mà cả ngân hàng (NH) đều mong muốn được thực hiện khoanh nợ. Tuy nhiên, việc này không đơn giản, thậm chí là rất khó vì liên quan đến ngân sách. Bởi để thực hiện được chính sách khoanh nợ, Chính phủ phải có nguồn ngân sách để trả nợ thay cho DN trong trường hợp hết thời gian khoanh nợ mà DN vẫn không thể trả nợ.

Doanh nghiệp mong được khoanh nợ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN (TT 03) sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN (TT 01) quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo nhận định chung của các DN và NH, các quy định tại hai thông tư này đã giúp các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cơ cấu lại thời gian trả nợ phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD), giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho DN và NH.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 đã khiến du lịch và hàng không chịu thiệt hại nặng nề, mọi hoạt động gần như tê liệt nhưng các DN vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt chi phí. Vì thế, cơ quan này kiến nghị giảm lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ…

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cũng cho biết, đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra với quy mô cũng như mức ảnh hưởng lớn hơn nhiều so ba đợt dịch trước cộng lại. Vì thế, rất nhiều DN vay vốn NH đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu tình hình tiếp tục khó khăn như hiện nay có thể đẩy số đông DN vào tình trạng phá sản.

Theo Hiệp hội NH Việt Nam, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD các DN và người dân, nhiều DN không có nguồn thu, không trả được nợ NH, không được cơ cấu các khoản vay theo hai thông tư này, ảnh hưởng đến việc phân loại nhóm nợ. Các NH không thể cơ cấu nợ, tiếp tục cho vay khách hàng vì vướng quy định và nợ xấu có xu hướng tăng cao. Thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số TCTD có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.

Trước những khó khăn, vướng mắc của việc thực hiện tái cơ cấu nợ, nhiều DN, NH và hiệp hội đã “mạnh dạn” đề nghị được khoanh nợ. Ông Đặng Hồng Anh kiến nghị, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép DN bị ảnh hưởng Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu. 

Còn theo Hiệp hội NH, TT 03 chưa quy định cho phép các TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với các số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét đề xuất áp dụng biện pháp khoanh nợ đối với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn.

Ngân sách nặng gánh nợ nần?

Theo NHNN, tính đến tháng 6/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4, việc cơ cấu lại nợ đã không còn là giải pháp hữu hiệu. Bởi thực tế, cơ cấu nợ, khoanh nợ lại sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của thị trường tài chính. Không chỉ DN, mà NH cũng hết sức lo ngại trước hiệu quả của các quy định về cơ cấu nợ cho khách hàng như hiện nay. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nên các NH phải đối diện với nhiều thách thức không chỉ trong năm nay mà cả năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, thực tế, việc khoanh nợ không đơn giản nhưng cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng rất thấp, nên DN mong đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ. Mặt khác, việc khoanh nợ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, nên giải pháp trước mắt là các NH phải chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Tại Việt Nam, nếu thực hiện đúng theo chỉ thị của cơ quan quản lý thì các NH vượt quá thông lệ quốc tế, tạo thành nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các NH. NH thực chất cũng là một DN, kinh doanh bằng tiền và lòng tin của người gửi tiền. Sự an toàn của các NH chính là để ổn định nền kĩnh tế vĩ mô và uy tín quốc gia. 

Chia sẻ quan điểm này, theo chuyên gia tài chính - NH Cấn Văn Lực, bản chất khoanh nợ là cho phép DN được tạm dừng không phải trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề và chưa biết thời điểm chấm dứt, DN và NH cần khoanh nợ với các khoản nợ đến hạn và nguy cơ nợ xấu, nhất là khi lợi nhuận NH có hạn và nếu không thể trích lập dự phòng rủi ro kịp thời sẽ gây rủi ro cho các TCTD. Và nếu khoanh nợ mà sau này DN không trả được nợ thì ngân sách phải bù. Tuy nhiên, cơ chế chi ngân sách khoanh nợ hiện chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp chịu thiên tai, lũ lụt... nên sẽ khó tạo được sự đồng thuận nhanh và hiệu quả khi áp dụng với các DN, nhất là trong điều kiện ngân sách còn phải dành nhiều nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Do đó, đề xuất này khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.