Cái gì cũng “cầm”
Trong trang phục đúng chất “ngáo đá”, cưỡi chiếc máy cà tàng mượn của thằng em, tôi đến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với quyết tâm "cầm" cho được chiếc điện thoại Samsung Galaxy S6 còn khá mới để lấy tư liệu “sống” cho bài viết này. Sau vài phút kết nối qua cáp, thử trên phần mềm chuyên dụng cài đặt trên chiếc máy tính xách tay, chủ một cửa hàng cầm đồ phán với giọng khá chuyên nghiệp: “Con này là bản nâng cấp với thiết kế kim loại nguyên khối, chất còn khá ổn nhưng xước nhiều quá. Kịch kim nhé, hai “củ”!”. Tôi cố nài nỉ tăng thêm lượng tiền được nhận nhưng anh ta giải thích: “Bây giờ hàng đời mới ra nhiều, lại rẻ. Nếu ông “bùng”, con này khó bán lắm…”.
Tiếp tục lọc cọc khoảng 100 mét, tôi sang một hiệu cầm đồ khác cũng nằm trên phố Bạch Mai. “Ừ thì 3 "củ", nhưng chỉ cho cầm một tuần”, bà chủ ra giá sau khi xem chiếc điện thoại. Tôi chần chừ hỏi thủ tục, được biết phải làm giấy vay tiền và quan trọng nhất là cam kết sau một tuần không đến trả tiền gốc và lãi thì hiệu hoàn toàn có quyền quyết định số phận chiếc điện thoại.
Nhét mớ tiền vào túi quần, lượn xe máy đến đoạn cuối đường Bạch Mai cắt ngang phố Đại La, tôi tạt vào bắt chuyện với một bà chủ quán nước đối diện với một hiệu cầm đồ và được biết, những ngày cuối tháng Giêng, lượng khách đến cầm đồ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường bởi là dịp giới chơi bời, hút hít thường “cháy túi” sau một thời gian “xả ga” vào dịp tết. Có một điều cần lưu ý rằng, do nắm bắt được điểm yếu của khách hàng, đặc biệt là sinh viên các trường đại học Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế… đóng đô gần phố Bạch Mai… thiếu tiền nên các chủ hiệu cầm đồ ở đây thường có chung một “nghệ thuật kinh doanh” là giảm tối đa thời hạn cho vay, trong khi lãi suất lại tăng đến mức hơn cả “nóng”. Làm như vậy, chủ hiệu thường đạt được mục đích là làm cho người vay hết đường quay lại. Khi đó, họ tiến hành thanh lí tài sản cho các cơ sở chuyên mua bán, “tút tát” đồ cũ với giá cao hơn nhiều…
Sau phi vụ buổi sáng ở phố Bạch Mai, buổi chiều, tôi phóng xe lên phố Láng Hạ, nơi được xem là chốn làm ăn phát đạt của giới cầm đồ đất Hà thành. Cũng như “vương quốc cầm đồ” trên phố Đặng Dung, nghe nói ở đây, các hiệu cầm đồ có thể “chơi” tất, từ điện thoại, máy vi tính, xe đạp cho đến xe máy, thậm chí cả ôtô. Lúc này, các cửa hàng cầm đồ đã thậm thụt người ra vào, ai cũng mang theo cái vẻ lén lút. Bước vào một hiệu, vừa vờ xem các chủng loại hàng thanh lí bày bán trong chiếc tủ kính to đùng, tôi vừa ghi âm gọn được một cuộc ngã giá: “Con SH này ông bô bà khốt vừa tặng em hôm sinh nhật, lướt mới có mấy nghìn cây, anh trả 30 “củ” rẻ quá, cố thêm tí nữa đi! Thực ra, em đang muốn lừa các cụ là mất để cho nó “đi” …”. “Thêm 10 “củ”, giá cuối đấy. Được thì ô kê, không thì mời sang hiệu khác...”. “Chồng tiền đi”. Đếm tiền xong, cậu thanh niên choai choai tóc nhuộm xanh đỏ thản nhiên khoác tay một cô bé chíp hôi cùng cỡ tuổi vẫy một chiếc taxi nhanh chóng vút đi.
Tìm thêm một quán cầm đồ khác gần đó, tôi cố ra vẻ tự tin bước vào. “Có việc gì?”, ông chủ hiệu thấp đậm, trong trang phục rằn ri kiểu lính thuỷ đánh bộ Mỹ hất hàm hỏi cộc lốc. “Bác có con xế nào thanh lí không?”. “Loại gì cũng có. Thằng em định đầu tư khoảng bao nhiêu tiền?”. “Khoảng trên dưới 12 triệu, kể cả loại không giấy tờ, vì em đi làm chủ yếu trong nội thành”. Sau khi quan sát tôi từ đầu đến chân, ông chủ “ô kê”, rồi dẫn tôi vào kho hàng được bố trí kín đáo trong một gian nhà sâu trong ngõ. Ở đây có khoảng trên dưới 20 chiếc xe các loại, từ bình dân đến cao cấp. Ông chủ chào hàng với tôi: “Tất cả những chiếc xe này hầu hết máy đều còn “ngon”, có cả loại chỉ có giấy viết tay của người cầm cố chứ không có giấy sở hữu chính chủ. Chúng là của đám thanh niên ăn chơi sa đà quá đem cắm nhưng không có khả năng lấy lại nên đành cho “đứt”… Chú mày ưng con nào cứ thoải mái lựa chọn”. Với cái cớ cần về nhà bàn thêm với vợ, tôi chuồn êm, để lại sau lưng ánh mắt sắc lạnh của ông chủ hiệu cầm đồ.
Một góc “trung tâm cầm đồ” ở đường Láng, Hà Nội
Một ngành nghề kinh doanh bị biến tướng?
Hiện tượng giới kinh doanh dịch vụ cầm đồ có mối quan hệ phức tạp với các đối tượng thuộc diện “nhập nha” không chỉ diễn ra ở Hà Nội. Những ngày qua, dư luận rất quan tâm tới vụ việc 5 chiếc xe ôtô, trong đó có cả loại thuộc hàng xe sang, trị giá cả tỉ bạc, được phát hiện trong các hiệu cầm đồ trên địa bàn TP.Cao Bằng không có giấy tờ hợp lệ. Nhưng việc đem tài sản lớn không rõ nguồn gốc đi cầm xem ra vẫn là “chuyện” nhỏ nếu so sánh với việc các chủ hiệu cầm đồ sẵn sàng “nhập hàng” cả các loại giấy tờ quan trọng như thẻ Đảng viên và giấy chứng minh Công an nhân dân. Còn nhớ, cách đây hơn hai tháng, Công an quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã phát hiện vụ việc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức có liên quan đến dịch vụ cầm đồ.
Do bị “cháy túi” trong các canh bạc, đối tượng tên Đào Văn Núi đã đánh liều sử dụng một giấy chứng minh Công an nhân dân và thẻ Đảng viên đến cầm đồ tại một cơ sở trên địa bàn quận Lê Chân. Bị thua tiếp, đối tượng này tìm một cặp vợ chồng ở cùng địa phương đặt làm thêm 9 giấy chứng minh Công an nhân dân giả khác đem đi cầm cố tại một loạt tiệm cầm đồ để bỏ túi 360 triệu đồng. Cách đó chưa lâu, kiểm tra hai cơ sở kinh doanh cầm đồ của một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn thành phố
Thanh Hóa, lực lượng công an cũng đã thu giữ hơn 1.000 thẻ sinh viên, 17 bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng cùng nhiều loại giấy tờ thuộc diện “nhạy cảm” khác…
Dẫn ra những ví dụ trên, cùng với những thông tin thu lượm được trong quá trình “vi hành” tại các hiệu cầm đồ, chúng tôi muốn đưa ra một lời cảnh báo rằng, hiện nay, bên cạnh những ý nghĩa nhất định trong hoạt động kinh tế -xã hội, không ít hiệu kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã và đang bị biến tướng thành nơi tiêu thụ công khai những tài sản, giấy tờ không “sạch”, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Một anh bạn công tác ở Công an Hà Nội, chuyên theo dõi mảng dịch vụ cầm đồ cho tôi hay, một thực tế là, tuy đã có quy định cho người làm dịch vụ cầm đồ là những người đi cầm cố phải có những giấy tờ chứng minh được quyền sở hữu, nhưng khá nhiều ông chủ sẵn sàng chứa chấp, cầm cố những vật phi pháp miễn là có lãi suất cao. Do đó, tiền cho vay phần lớn có giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản, lãi suất lại cao (thường từ 15-20%/ngày). Để có “lá chắn” chống tội danh cho vay nặng lãi, phần lớn họ chỉ viết giấy biên nhận cho vay mà không ghi lãi suất, hoặc ghi lãi suất rất thấp so với thực tế.
Còn với những tài sản từ những vụ trộm cắp, cướp giật mà có, những người làm dịch vụ cầm cố thường cất vào một kho riêng nhằm đối phó với những cuộc kiểm tra hành chính đột xuất. Đó là chưa kể đến những thủ đoạn lách luật của không ít chủ hiệu cầm đồ khi cố tình chiếm đoạt tài sản công dân qua chiêu lãi suất cao và thời gian cấm cố ngắn mà những chủ nhân của nó muốn lấy lại cũng không kịp có tiền. Hoặc những chiêu đòi nợ theo kiểu xã hội đen trắng trợn mà vụ việc xảy ra tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vào đầu tháng 1.2016 vừa qua là một ví dụ điển hình. Trong vụ này, nạn nhân N.N.L (SN 1985, ở xã Mai Đình) đã bị đối tượng Dương Văn Hùng (SN 1992) - nhân viên một hiệu cầm đồ - ép viết giấy vay nợ 20 triệu đồng vì quá hạn vẫn chưa trả số tiền gốc 10 triệu đồng, đồng thời phải trả 50.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Do chưa có đủ tiền trả, ngày 5.1, nạn nhân bị Hùng cùng một số đối tượng “xã hội đen” dùng hung khí gây thương tích nặng.
“Chẳng lẽ bó tay trước loại tệ nạn này?”, tôi chất vấn anh bạn, thì nhận được câu trả lời: Điều nghịch lý nhất hiện nay là hoạt động phi pháp của những đối tượng này lại được hợp pháp hoá bởi những giấy phép kinh doanh, được Nhà nước thừa nhận, trong bối cảnh những văn bản pháp luật quy định chưa đủ chặt, đủ mạnh, để xử lí hình sự tương xứng với hành vi vi phạm pháp luật của họ. Do đó, phần lớn các vụ việc liên quan, cơ quan chức năng chỉ “dám” xử lí hành chính, bởi muốn xử lí hình sự với những vụ việc này, phải chứng minh được ý thức chủ quan của những người làm dịch vụ cầm đồ là biết những tài sản được cầm cố là do phạm tội mà có nhưng vẫn cố tình cầm đồ hoặc tự họ thú nhận. Nhưng để chứng minh được “ý thức chủ quan” hoặc để họ tự thú thì không khác gì... mò kim đáy bể.
Ngẫm đi, ngẫm lại, xem ra, anh bạn công an của tôi nói thật đúng. Đằng sau những cửa hiệu cầm đồ là những góc tối, còn rất nhiều chuyện phải bàn, không hề đơn giản chút nào!