Vị trí của bạn:trang đầu > NGÂN HÀNG > GIỚI THIỆU NGÂN HÀNG> bản văn

Hệ thống Ngân hàng tỉnh Bạc Liêu: Tập trung nguồn vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương
10/06/2022   Nguồn:https://tapchinganhang-gov-vn.translate.goog/   Nhấp Chuột:807


Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu
 
Với thế mạnh về kinh tế biển, khai thác và chế biến thủy, hải sản, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đẩy mạnh liên kết, Bạc Liêu đã phát huy lợi thế để thu hút đầu tư, trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong thành công tăng trưởng kinh tế đó, không thể không nói đến vai trò của nguồn vốn tín dụng luôn bền bỉ một dòng chảy từ hệ thống ngân hàng trên địa bàn đến với các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông phủ sóng trong toàn tỉnh Bạc Liêu.
Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu vùng ĐBSCL
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tăng 5,05% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ nhất vùng ĐBSCL. Sản lượng thủy sản tăng 8,84%; thu ngân sách địa phương đạt 103,39% dự toán đề ra; có 10/19 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành đạt và vượt trong năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 31.866,82 tỷ đồng, đạt 100,27% kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 58,67 triệu đồng/người/năm là những kết quả khả quan mà tỉnh Bạc Liêu đạt được trong năm 2021.
Nổi bật nhất trên lĩnh vực kinh tế là mũi nhọn thủy sản. Năm 2021, do thời tiết khá thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản nên diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu lên tới 142.910 ha, đạt 102,24% kế hoạch; sản lượng thu hoạch 295.881 tấn (trong đó, tôm 200.912 tấn, cá và thủy sản khác 94.969 tấn), đạt 99,49% kế hoạch, tăng 11,58% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ dân đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn.
Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản được đẩy mạnh, sản lượng khai thác trong năm 2021 là 118.519 tấn, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 414.400 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Về hoạt động xuất khẩu, năm 2021, con tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính với sản lượng xuất khẩu đạt gần 74.000 tấn, đạt 87,83% kế hoạch, bằng 98,55% so với cùng kỳ năm 2020; muối xuất khẩu 1.000 tấn, đạt 90,91% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 776,14 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu đã chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án (trong đó có 11 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 9.851,25 tỷ đồng; 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4.316 USD); cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án (11 dự án trong nước, 4 dự án nước ngoài); có 320 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn là 6.500 tỷ đồng, giảm 25% số doanh nghiệp, nhưng tăng 17,7% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có 2.900 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 42.818 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại tỉnh Bạc Liêu có sự chuyển biến mạnh, trong năm 2021 có 7 dự án điện gió, với công suất 370 MW được đưa vào hoạt động, nâng tổng số nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh lên 8 dự án, với tổng công suất 469,2 MW; chính thức đóng điện và vận hành thương mại 02 dự án điện gió quan trọng của tỉnh Bạc Liêu và vùng ĐBSCL có tổng công suất 120 MW, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bạc Liêu quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nhà ở và khu đô thị mới… Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu nguyên con sang thị trường Australia và các thị trường khác. 
Theo Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh Bạc Liêu  ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh Bạc Liêu tập trung thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, gồm: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch; phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Theo đó, định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.
Nguồn vốn ngân hàng góp phần đầu tư phát triển kinh tế
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 cho hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng triển khai nhiều gói tín dụng, tăng cường tiếp thị để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022, công tác giải ngân được thực hiện tốt.
Tính đến cuối tháng 02/2022, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt 33.900 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, dư nợ bằng VND đạt 31.800 tỷ đồng, chiếm 93,81% tổng dư nợ; dư nợ bằng ngoại tệ đạt 2.100 tỷ đồng, chiếm 6,19% tổng dư nợ, tăng 4,43% so với đầu năm. Dư nợ ngắn hạn đạt 20.950 tỷ đồng, chiếm 61,80% tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn 12.950 tỷ đồng, tăng 1,92% so với cuối năm 2021, chiếm 38,20% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được chú trọng và kiểm soát dưới 2%; nợ xấu tính đến cuối tháng 02/2021 ước là 595 tỷ đồng, chiếm 1,76% tổng dư nợ, tỷ lệ này cuối năm 2021 là 1,64%.
Nguồn vốn của hệ thống ngân hàng tỉnh Bạc Liêu tập trung cho vay theo các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, dư nợ đạt 15.450 tỷ đồng, chiếm 45,58% tổng dư nợ, tăng 4,27% so với đầu năm 2022; cho vay xuất khẩu với dư nợ đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 9,73% tổng dư nợ, tăng 7,11% so với đầu năm 2022, chủ yếu là dư nợ cho vay xuất khẩu tôm nguyên liệu; cho vay doanh nghiệp dư nợ đạt 11.375 tỷ đồng, chiếm 33,55% tổng dư nợ cho vay và giảm 2,69% so với đầu năm 2022, trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.650 tỷ đồng, tăng 0,05% so với đầu năm 2022; cho vay chăn nuôi lợn dư nợ đạt 757 tỷ đồng, trong đó, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả châu Phi là 1,4 tỷ đồng và cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ dư nợ cho vay đạt 52,4 tỷ đồng, với 85 khách hàng vay.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu đạt 2.346 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,98% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo là 288 tỷ đồng, chiếm 12,26%; dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 490 tỷ đồng, chiếm 20,90% tổng dư nợ; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 313 tỷ đồng, chiếm 13,36%/ tổng dư nợ cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã giải ngân số tiền 9,86 tỷ đồng cho 13 khách hàng vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 2.945 người lao động theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 31/01/2022, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 9.312 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,71% tổng dư nợ; các tổ chức tín dụng đã: (i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 875 khách hàng bị ảnh hưởng với giá trị nợ đã cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng là 3.319 tỷ đồng; (ii) Số dư nợ đã hạ, giảm lãi là 17.226 tỷ tổng, số tiền lãi tổ chức tín dụng đã hạ, giảm lãi là 63,9 tỷ đồng cho 32.190 khách hàng; (iii) Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch, doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 29.334 tỷ đồng.
Ngoài ra, đến cuối tháng 02/2022, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 73 khách hàng, dư nợ được cơ cấu đạt 1,7 tỷ đồng; cho vay mới 105 khách hàng với doanh số 0,8 tỷ đồng cho khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho nhóm khách hàng này.
 

Cánh đồng điện gió Bạc liêu

Giải pháp hỗ trợ vốn phát triển kinh tế địa phương
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu, để đưa nguồn vốn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Hai là, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu tập trung triển khai thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Hội sở giao năm 2022. Thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng huy động vốn và cho vay, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Ba là, thực hiện các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chủ động tiếp cận đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng và kịp thời có các giải pháp phù hợp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn để khách hàng an tâm, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện tốt công tác thanh toán, luân chuyển vốn cho khách hàng luôn đảm bảo kịp thời, chính xác, an toàn. Tập trung triển khai các biện pháp mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn bảo mật trong thanh toán điện tử, đảm bảo chất lượng, an toàn hoạt động ATM, POS; đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân. Chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN về công tác an toàn kho quỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản kho quỹ.
Năm là, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 23/2021/QĐ-TT ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19.
Sáu là, thực hiện phương án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trong quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, đặc biệt là sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh.