Vị trí của bạn:trang đầu > TIỀN KỸ THUẬT SỐ > TIỀN KỸ THUẬT SỐ> bản văn

Tiền kỹ thuật số: Rủi ro và giải pháp phòng ngừa
07/06/2022   Nguồn:http://vjst.vn/   Nhấp Chuột:785

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tiền kỹ thuật số -KTS (hay còn gọi là tiền điện tử, tiền mã hóa) đã dần trở thành đối tượng được giao dịch trên toàn thế giới. Các giao dịch tiền KTS trên thế giới diễn ra hàng giờ, hàng phút với khối lượng khổng lồ, và không ít tỉ phú đã đặt niềm tin vào sự phát triển của loại tiền này. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có các quy định chính thức nhưng việc giao dịch và mua bán các đồng tiền KTS vẫn đang được diễn ra hàng ngày, tạo ra thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý.

Sự phát triển của tiền KTS

Năm 2009, Satoshi Nakamoto đã tạo ra Bitcoin, loại tiền tệ hoàn toàn phi tập trung đầu tiên trên thế giới. Kể từ khi nó được tạo ra, sự chú ý đặc biệt đã được dành cho loại tiền mới nổi này. Không giống như các loại tiền tệ truyền thống như USD, ER hay đồng Yên… giá trị được xác định bởi luật pháp, Bitcoin không/chưa thể chuyển đổi và không được chính phủ hoặc pháp nhân hỗ trợ chính thức. Bitcoin hoạt động giống như một hệ thống thị trường tự do, vì nó không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương để phát hành hoặc ngân hàng thương mại lưu trữ. Thay vào đó, các nhà đầu tư tự thực hiện các giao dịch kinh doanh của mình mà không cần bất kỳ trung gian nào. Mạng lưới ngang hàng loại bỏ các rào cản thương mại, làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Mỗi ngày trôi qua, sự gia tăng số lượng các công ty chấp nhận Bitcoin đang làm cho giá trị nhận thức của nó trở thành hiện thực. Tuy nhiên, những lo ngại về bảo mật, nguồn cung tiền không co giãn được mã hóa bằng công thức toán học và sự biến động không kiểm soát đã gây khó khăn cho loại tiền KTS này. Tính tới thời điểm hiện tại, theo thống kê của Công ty Coin Marketcap thì hiện nay có tới hơn 5.000 loại tiền điện tử đang được giao dịch trên thế giới. Để phân biệt các đồng tiền này, dựa trên chức năng, mục đích kinh tế và khả năng chuyển đổi của chúng, có thể phân nhóm như sau:

Thứ nhất, Token hay còn gọi là xu, các sàn giao dịch tiền điện tử như Binance Coin và KuCoin là các nền tảng trực tuyến nơi người dùng có thể đầu tư và giao dịch tiền điện tử,  khi đó các sàn giao dịch này tạo ra các Token. Về cơ bản, mã thông báo hoạt động như một loại tiền tệ, nó giúp tiếp cận sản phẩm hoặc cổ phiếu. Việc phát hành Token thường được thực hiện thông qua cung cấp tiền xu ban đầu (ICO). ICO tương tự như một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho thị trường chứng khoán. ICO cung cấp cho các nhà đầu tư quyền truy cập vào các dịch vụ hoặc sản phẩm được bao phủ bởi mã thông báo, họ cũng có thể đại diện cho cổ phần trong công ty tiền điện tử.

Thứ hai, Coin hay còn gọi là đồng, hầu hết các loại tiền kỹ thuật số nổi tiếng hiện nay đều được coi là Coin như Bitcoin, Ethereum và Ripple. Các Coin khác nhau dựa trên các nền tảng Blockchain. Nền tảng Blockchain là điểm giúp chúng ta phân biệt giữa Coin và Token. Chúng ta có thể phân biệt các loại Coin sau: i) Privacy Coin là đồng tiền điện tử được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa những người dùng mà không để lại dấu vết có thể nhận dạng được. Các giao dịch bảo mật này có thể liên quan đến giá trị tiền tệ hoặc thậm chí thông tin. Nguyên tắc cơ bản đằng sau việc tạo ra đồng bảo mật là các giao dịch không được giám sát hoặc kiểm soát bởi bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào. ii) Currency Coin còn gọi là đồng tiền thanh toán, được tạo dựa trên nền tảng Blockchain. Hầu hết các đồng tiền mã hóa sẽ được phân vào nhóm này, có thể kể đến như Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Cardano, Polkadot, Stellar…

Thứ ba, Stablecoin là loại tiền điện tử có giá trị được gắn với các tài sản truyền thống như vàng hoặc tiền tệ tiêu chuẩn. Là một loại tiền điện tử cố gắng cung cấp sự ổn định về giá và được hỗ trợ bởi một tài sản dự trữ. Stablecoin đã đạt được sức hút khi mang ưu điểm của cả hai loại tiền tệ - xử lý tức thì và bảo mật hoặc quyền riêng tư của các giao dịch thanh toán tiền điện tử và được định giá ổn định không biến động của các loại tiền tệ pháp định. Thông thường giá của các Stablecoin khá ổn định dựa theo giá của đồng tiền mà nó đại diện. Đồng Stablecoin được coi là phổ biến nhất hiện nay là đồng Tether đại diện cho đồng USD.

Khó khăn, rào cản trong quản lý tiền KTS

Hiện nay, với tốc độ phát triển không ngừng và ngày càng phổ biến của tiền KTS, các quốc gia trên thế giới vẫn đang “đau đầu” nghiên cứu để tìm ra phương án quản lý đối với loại tiền này một cách hiệu quả. Việc quản lý đối với tiền mã hóa, tài sản mã hóa đang gặp nhiều khó khăn vì những rủi ro mà đồng tiền này đem lại bao gồm:

Thứ nhất, xuất phát từ đặc tính bảo mật và ẩn danh, các giao dịch trao đổi tiền mã hóa sẽ không thể xác định được các bên tham gia mà chỉ biết về sự tồn tại của các giao dịch đó trên mạng internet. Do đó, tiền mã hóa có thể trở thành phương tiện giao dịch cho các hoạt động rửa tiền, lừa đảo, trốn thuế, mua bán hàng cấm…

Thứ hai, vì các đồng tiền mã hóa dựa trên công nghệ Blockchain ở dạng sổ cái phân tán, nên các giao dịch mua bán tiền mã hóa được diễn ra ở phạm vi toàn cầu. Vì tính chất công nghệ của loại tài sản này nên hiện nay việc quản lý các sàn giao dịch, các chủ thể là điều không thể vì không thể xác định được vị trí địa lý của các bên nên khó có thể xác định hệ thống pháp luật áp dụng đối với các giao dịch này. Chính vì lẽ đó, nếu như có hành vi lừa đảo đối với những cá nhân muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư với loại tài sản này, cá nhân đó cũng sẽ khó có thể nhờ cậy tới pháp luật và cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, những người sở hữu đồng tiền này sẽ tự chịu những rủi ro khi tham gia giao dịch. Hiện nay chúng ta đã thấy các trường hợp nhà đầu tư bị lừa đảo khi mua tiền mã hóa. Họ có thể bị lừa thông qua sàn giao dịch giả, ví tiền ảo giả hay bị lừa đảo thông qua ICO khi các doanh nghiệp lập dự án giả kêu gọi mua Token với giá thấp để thu hút vốn đầu tư nhưng sau đó hủy dự án…

Thứ ba, chính vì không có cơ quan giám sát, không có cơ quan trung gian, không có hệ thống pháp luật quy định cụ thể, giá của những đồng tiền kỹ thuật số sẽ biến động không ngừng. Điển hình là giá trị của đồng Bitcoin, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay, vào giai đoạn năm 2009 khi mới ra đời, đồng Bitcoin có giá trị chưa tới 1 USD. Đến cuối năm 2017 thế giới chứng kiến đồng giá đồng Bitcoin tăng vọt lên 20.000 USD và sau đó giảm xuống gần 3.000 USD trong năm tiếp theo. Đến năm 2021, cùng với sự đi lên của thị trường, đồng Bitcoin giai đoạn này đã lập kỷ lục khi có thời điểm lên tới gần 65.000 USD. Từ diễn biến giá của đồng Bitcoin, chúng ta nhận thấy mức độ dao động của các đồng tiền mã hóa là vô cùng lớn, vì thế cũng khó để có thể sử dụng đồng Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa thay thế cho tiền pháp định.

Giải pháp nào cho việc quản lý tiền KTS

Dù tiền mã hóa đã có một chặng đường phát triển từ năm 2009 nhưng đến nay các quốc gia vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện nay vẫn có những ý kiến trái chiều về việc quản lý tiền mã hóa như: nên cấm giao dịch và sử dụng loại tài sản này vì những rủi ro mà nó có thể đem lại, hoặc chúng ta nên có khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi khai thác và sử dụng tiền mã hóa. Với Quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Báo cáo số 70/BC-BTP ngày 1/4/2020 của Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain, trong đó có tài sản ảo, thường có các tên gọi như tiền ảo, tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa thì chúng ta có cơ sở tin rằng Việt Nam sẽ sớm có văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này. Để có thể quản lý được việc khai thác và sử dụng tiền mã hóa, Nhà nước cần phải xây dựng được một khung pháp lý toàn diện, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ, bảo vệ được lợi ích các nhà đầu tư. Để bảo đảm được điều đó, các nhà làm luật cần lưu ý những nội dung như:

Thứ nhất, pháp luật cần đưa ra quy định rõ ràng về bản chất pháp lý của tiền mã hóa và xác định tiền mã hóa như một loại tài sản. Như đã phân tích ở trên, hiện nay tiền KTS có nhiều loại và có thể được sử dụng với nhiều chức năng. Vậy những loại tiền nào được xác định như một loại tiền tệ hay phương tiện thanh toán, đồng nào sẽ được coi như là một loại hàng hóa để giao dịch, và đồng nào sẽ được xác định là chứng khoán.

Thứ hai, khi đã xác định được bản chất pháp lý của các loại tiền KTS, cần có những quy định trong việc giao dịch, sử dụng hay khai thác các loại tiền này. Với những loại tiền KTS có thể sử dụng như một loại tiền tệ, cần có quy định rõ là những giao dịch như thế nào sẽ được sử dụng để trao đổi. Trước đây, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể thí điểm cho một số trường đại học nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ như Trường Đại học FPT, Trường Bách khoa Hà Nội cho phép học viên trả học phí bằng tiền KTS. Tuy nhiên việc có thể sử dụng loại nào, theo tỉ giá được xác định tại thời điểm nào, căn cứ ở đâu cũng là thách thức vì giá trị của đồng tiền KTS không ổn định và có thể dao động mạnh trong thời gian ngắn. Với những giao dịch mà các bên có thể sử dụng tiền mã hóa để mua bán lẫn nhau hoặc sử dụng tiền pháp định để mua bán tiền KTS, chúng ta cần có những quy định về điều kiện hoạt động của các sàn giao dịch hoặc chợ điện tử mua bán tiền KTS tại Việt Nam để hạn chế rủi ro cho người mua và người bán. Với các đồng tiền KTS trong chứng khoán thì các hoạt động ICO, giao dịch, mua bán các loại tiền này có thể áp dụng các quy định của luật chứng khoán hoặc xây dựng quy định pháp luật dựa trên pháp luật chứng khoán hiện hành.

Thứ ba, với nhiều rủi ro tiền mã hóa có thể gây ra, hệ thống pháp luật cần có những quy định cụ thể về hành vi đừa đảo trong lĩnh vực này mà Nhà nước có thể kiểm soát, đồng thời có quy định cụ thể về chế tài cho các hành vi lừa đảo này. Tuy nhiên, với tính chất dựa trên nền tảng công nghệ đang phát triển và các hoạt động giao dịch, khai thác diễn ra trên mạng internet, việc xác định trước mọi loại rủi ro và kiểm soát chúng là điều không thể, do đó pháp luật nên hướng đến việc cảnh báo các rủi ro tiềm năng cho người sử dụng.

Tại Thái Lan, mặc dù Chính phủ hy vọng các luật mới liên quan đến tiền điện tử sẽ được ban hành trong tương lai, nhưng họ đã quyết định thực hiện các biện pháp tạm thời để bảo vệ các nhà đầu tư tiền điện tử. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ban hành một Thông tư ngày 12/2/2018, yêu cầu các tổ chức tài chính hạn chế thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến tiền KTS. Ngân hàng Bangkok đã tạm dừng các giao dịch liên quan đến tiền KTS với sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Thái Lan; Yêu cầu tất cả các giao dịch tài sản kỹ thuật số, môi giới và đại lý phải được đăng ký với các cơ quan có liên quan.

Tóm lại, với những tính chất của tiền KTS như đã phân tích ở trên thì Việt Nam trong giai đoạn hiện nay chưa thể thừa nhận đây là một loại tiền tệ, một loại tài sản. Chính vì thế, việc sớm có khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết để giải quyết những phát sinh và hệ lụy của tiền mã hóa đã, đang và sẽ phát minh trong tương lai.