Vị trí của bạn:trang đầu > KHOẢN VAY > KIẾN THỨC CHO VAY> bản văn

Điểm mới trong xử lý hành vi cho vay lãi nặng
26/05/2022   Nguồn:https://www.baohaugiang.com.vn/   Nhấp Chuột:780

Hiện nay, tình trạng cho vay tiền với lãi suất cao vẫn còn diễn ra âm ỉ. Nhiều người dân lâm vào cảnh túng quẫn cũng vì bị những băng nhóm “tín dụng đen”, những kẻ chuyên cho vay lãi nặng khống chế. Vậy cho vay lãi suất cao đến mức nào mới bị xem là cho vay lãi nặng? Và như thế nào thì bị xử lý hình sự ?

Với các hành vi cho vay với mức lãi suất vượt mức quy định của pháp luật sẽ bị xem là hành vi cho vay lãi nặng.

Hiện nay, theo khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá là vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự.

Thế nhưng trên thực tế, lãi suất của hành vi cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” thường ở mức rất cao, chênh rất nhiều lần so với mức lãi suất Bộ luật Dân sự quy định. Vì cần tiền, nhiều người đành bấm bụng vay tín dụng đen với lãi suất có thể đến 20%/tháng (gấp hơn 10 lần so với quy định của pháp luật)…

Vừa qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021 (có hiệu lực từ ngày 24-12-2021) về việc hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự về việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể, nghị quyết hướng dẫn nếu lãi suất vay vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (tức là gấp 5 lần mức 20%/năm, 1,67%/tháng - PV) thì được xem là hành vi cho vay lãi nặng.

Theo ông Hà Thái Thơ, Phó Chánh án TAND huyện Phụng Hiệp, trước Nghị quyết 01/2021 chưa có quy định cụ thể của TAND tối cao đối với tội danh này và không có hướng dẫn phải sung công quỹ hay trả về đương sự số tiền gốc cũng như tiền lời bất chính. Do đó, nhiều đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng vẫn trốn tránh và không dễ xử lý. Đến nay, Nghị quyết 01/2021 đã quy định cụ thể những vấn đề trên.

Cụ thể, theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2021, đối với Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định, người nào cho vay với lãi suất từ gấp 5 lần lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Cũng theo ông Hà Thái Thơ, về vấn đề “thu lợi bất chính” cũng đã được giải thích cụ thể, theo đó “thu lợi bất chính” sẽ được hiểu là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay”.

Về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, nghị quyết yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt tiền là hình phạt chính đối với người thực hiện hành vi phạm tội; trong đó, mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng. Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, hoạt động dưới hình thức băng, ổ nhóm thì xem xét áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính. Trường hợp hình phạt chính được áp dụng không phải hình phạt tiền thì phải xem xét áp dụng nghiêm khắc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.

Đối với người cho vay nặng lãi nhiều lần, mỗi lần dù thu lời bất chính ít hơn hay từ 30 triệu đồng trở lên đều sẽ bị phạt mức án tương ứng tổng số tiền lời bất chính trong những lần cho vay. Họ có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”. Nếu người cho vay nặng lãi có hành vi khác để đòi nợ như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây thương tích cho con nợ... sẽ bị xử lý theo các tội danh tương ứng như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.

Cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy, cùng với việc pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn đối với loại tội phạm này, thì người dân cũng cần mạnh dạn hơn trong việc tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng. Có như vậy, những kẻ cho vay nặng lãi mới không còn đất sống, góp phần làm trong sạch hoạt động tín dụng, hướng đến xóa bỏ tín dụng đen đã từng khiến bao gia đình phải lâm vào cảnh khốn cùng.

Tịch thu, sung công đối với khoản tiền các đối tượng dùng cho vay trái pháp luật

 

Theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết 01/2021 về xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm, sẽ áp dụng hình thức tịch thu sung quỹ nhà nước đối với: Khoản tiền, tài sản khác người phạm tội dùng để cho vay; tiền lãi tương ứng mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự mà người phạm tội đã thu của người vay; tiền, tài sản khác mà người phạm tội có thêm được từ việc sử dụng tiền lãi và các khoản thu bất hợp pháp khác.

Đồng thời, quy định trả lại cho người vay tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thực tế đã thu, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.