Theo anh Hùng, vừa qua anh có người bạn ra hiệu cầm đồ để cầm chiếc xe máy SH và vay 200 triệu với lãi suất 170% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay. Trường hợp chủ hiệu cầm đồ cho vay tiền với lãi suất như trên thì theo quy định của pháp luật xử lý như thế nào?
Theo cổng thông tin điện tử của Bộ công an, anh Nguyễn Văn Hùng có đặt câu hỏi về việc cho vay tiền với lãi suất cao hơn lãi suất theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?
Cụ thể, theo anh Hùng, vừa qua anh có người bạn ra hiệu cầm đồ để cầm chiếc xe máy SH và vay 200 triệu với lãi suất 170% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay. "Trường hợp chủ hiệu cầm đồ cho vay tiền với lãi suất như trên theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào? Ngoài ra trường hợp cho vay không có tài sản cầm cố thì lãi suất vượt quá bao nhiêu phần trăm lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự?".
Trả lời thắc mắc của công dân, Bộ Công an trích dẫn Khoản 1 Điều 163 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Tội cho vay lãi nặng như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
Chiếu theo Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2018) quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thay thế quy định về Tội cho vay lãi nặng tại Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã dẫn chiếu trực tiếp về lãi suất đến Bộ luật Dân sự năm 2015 (thay Bộ luật Dân sự 2005) mà không cần căn cứ mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước: lãi suất cho vay gấp 05 lần lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự (20%) = 100% thì được coi là lãi nặng. Đồng thời lượng hoá số tiền bất chính thu được từ 30 triệu đồng trở lên là cấu thành tội phạm.
Như vậy, đối với các hành vi cho vay (bao gồm có cầm cố và không cầm cố tài sản), theo quy định phải có mức lãi suất dưới 20%/năm, không căn cứ vào mức lãi suất ngân hàng công bố. Căn cứ vào mức lãi suất tại từng việc cụ thể, người cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như mức lãi suất cho vay từ 100%/năm trở lên và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Trường hợp vượt quá lãi suất 20% nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành.
"Đối với trường hợp của bạn nêu, cần làm rõ nội dung vụ việc, mức lãi suất cho vay và số tiền thu lời bất chính thực tế đã bị chiếm đoạt mới có thể xác định hình thức xử lý phù hợp. Bộ Công an đề nghị bạn của bạn nên trình báo đến cơ quan Công an nơi cơ sở cầm đồ đã tiến hành giao dịch để xác minh và có hình thức xử lý đúng pháp luật", Bộ Công an cho biết.
https://doanhnghieptiepthi.vn/vay-200-trieu-o-hieu-cam-do-lai-suat-170-lai-suat-co-ban-phap-luat-quy-dinh-ra-sao-161211110101837269.htm