Với việc tình hình dịch bệnh đã bắt đầu lắng xuống, đại diện ngân hàng kỳ vọng, ảnh hưởng của nợ tái cấu trúc sẽ chỉ tác động đến hết tháng 6/2022, sau đó, tất cả các khách hàng sẽ trả nợ lại bình thường.
Ngày 10/2, VPBank tổ chức hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư nhằm trao đổi về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 4 cũng như cả năm 2021. Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, đánh giá ngân hàng vừa phải trải qua năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo ông Vinh, VPBank là ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng nổ trong quý 3/2021, bởi hàng triệu khách hàng của VPBank trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng là những người thu nhập thấp, gần như không có thu nhập khi giãn cách xã hội. Mảng cho vay doanh nghiệp cũng không khả quan khi VPBank tập trung cho vay vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), sức chống chịu dịch bệnh kém.
"Sẽ là bất hợp lý nếu nói rằng VPBank không gặp vấn đề gì trong năm vừa qua. Phải khẳng định chúng tôi là ngân hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch. Khi giãn cách xã hội kéo dài, rất nhiều khách hàng của chúng tôi phải ngừng hoàn toàn các hoạt động kinh doanh, không có nguồn thu, thậm chí còn không có tiền ăn chứ đừng nói đến trả nợ ngân hàng", ông Vinh chia sẻ.
Đối mặt với tình hình căng thẳng đó, VPBank lựa chọn đồng hành với khách hàng vượt qua khó khăn thông qua tái cấu trúc nợ. Ước tính, trong năm 2021, VPBank đã hỗ trợ gần 300.000 khách hàng tham gia tái cấu trúc nợ thông qua các hình thức như miễn, giảm lãi suất, gia hạn khoản vay… Riêng mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit, ông Vinh ước tính lợi nhuận đã giảm khoảng 4.000 tỷ đồng để dành cho các chương trình hỗ trợ khách hàng.
Chất lượng tài sản của VPBank bị ảnh hưởng đáng kể khi tính đến cuối năm 2021, nợ xấu của VPBank đã tăng 60% so với năm 2020. Trong phân khúc tài chính tiêu dùng, ngân hàng ghi nhận nợ xấu đạt khoảng 13%, tăng mạnh so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng mẹ được kiểm soát tốt hơn và liên tục giảm, từ 1,98% năm 2020 xuống còn 1,45% năm 2021.
Để đảm bảo tính ổn định chất lượng tài sản, VPBank còn không ngừng đẩy mạnh trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2021 đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 35% so với mức hơn 14.000 tỷ đồng năm 2020.
Bất chấp những khó khăn đó, ông Vinh tin tưởng việc hỗ trợ khách hàng tích cực sẽ giúp VPBank thu về những giá trị hết sức quan trọng trong tương lai. Thực tế cũng cho thấy, khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại từ quý 4/2021 đến nay, hoạt động của VPBank và FE Credit đều có những bước phục hồi hết sức khả quan.
"Sau 6 tháng kể từ khi được VPBank cấu trúc nợ lần 1, hơn 80% khách hàng đã phục hồi, co thể trả nợ lại bình thường và chỉ chưa tới 20% cần hỗ trợ tái cấu trúc nợ lần 2. Con số này tốt hơn rất nhiều so với dự đoán của chúng tôi", ông Vinh chia sẻ.
Đây sẽ là tiền đề vững chắc để các mảng kinh doanh của VPBank phục hồi trong năm 2022. Với việc tình hình dịch bệnh đã bắt đầu lắng xuống, đại diện ngân hàng kỳ vọng, ảnh hưởng của nợ tái cấu trúc sẽ chỉ tác động đến hết tháng 6/2022, sau đó, tất cả các khách hàng sẽ trả nợ lại bình thường.
Trong kịch bản lạc quan, FE Credit thậm chí có thể quay trở lại con đường phát triển trong năm 2022 này và ngay lập tức mang về lợi nhuận 5 – 6 nghìn tỷ đồng. Kể cả những kịch bản kém lạc quan hơn, vị lãnh đạo VPBank vẫn tin tưởng rằng tình hình kinh doanh trong năm 2022 sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2021.
Bên cạnh sự phục hồi của mảng tài chính tiêu dùng, nhiều mục tiêu tham vọng khác cũng được ban lãnh đạo VPBank đặt ra trong năm nay như tăng trưởng tín dụng cao từ 18 – 20%, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%; trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hay tiếp tục thu hút thêm khoảng 1,7 triệu khách hàng cá nhân sử dụng các sản phẩm của ngân hàng.
http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/ceo-vpbank-80-khach-hang-duoc-tai-co-cau-khoan-vay-da-quay-lai-tra-no-4202211295946001.htm